Thông báo:
- Sách - Giá trị tinh thần vượt thời gian (Văn hóa đọc trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Ba Đình)        - Tuổi trẻ trường Đinh Tiên Hoàng tài năng và sáng tạo.        - Những lớp học hạnh phúc        - THÔNG BÁO TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 NĂM HỌC 2024 - 2025        
Tài liệu học tập
+ Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp- Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp 10
Bài nói chuyện
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website của chúng tôi qua đâu?
 Qua tìm kiếm trên mạng
 Qua bạn bè giới thiệu
 Qua quảng cáo
 Qua nguồn khác..
Trang chủLịch sử và truyền thốngNhững năm tháng khó quên › Hai mươi năm một mô hình giáo dục, trường PTTH Đinh Tiên Hoàng đặc biệt đáng kính trọng

Hai mươi năm một mô hình giáo dục, trường PTTH Đinh Tiên Hoàng đặc biệt đáng kính trọng

Chủ nhật, 06.05.2012

Tôi còn nhớ một lần, có một thầy trong một cuộc hội thảo của Hội đồng Sư phạm nhà trường đã phát biểu: "Nếu thầy cô nào trụ vững ở trường này được 5 năm cũng đáng để thưởng Huân chương hoặc phong anh hùng…".

Tháng 3 năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập trường PTTH Dân lập Đinh Tiên Hoàng, đồng chí Vũ Oanh nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt nam có bài nói chuyện tại lễ kỷ niệm. Sau khi khen ngợi những thành tích sáng tạo, mang tính khoa học trong 10 năm thành lập để giáo dục học sinh có nhiều hoàn cảnh khó khăn, có nhiều khiếm khuyết mà  các trường khác không thể tiếp nhận, để giúp các cháu thành người công dân có ích cho xã hội, biết lập thân, lập nghiệp. Trong lời kết đồng chí nhấn mạnh: "…Chính các đối tượng học sinh khó khăn đã tạo điều kiện cho các đồng chí sáng tạo nên những cái rất hay. Bây giờ chúng ta không có thời gian để ngâm nga nữa, mà phải mau chóng biến kinh nghiệm của trường Đinh Tiên Hoàng này thành của cả nước, không những trong trường quốc lập mà cả trường dân lập, bởi cơ chế này là cơ chế có tính khoa học của nó, có tính lý luận cao…".

Kể từ ngày ấy đến nay trường đã đi tiếp một chặng đường 10 năm nữa. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay 20/11/2009, là dịp kỷ niệm 20 năm thành lập trường tôi có dịp được gặp nhiều thế hệ học sinh đã tốt nghiệp PTTH rồi vào các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, dạy nghề đã biết lập thân, lập nghiệp. Các em đã xứng đáng là những sản phẩm tốt của trường mặc dù các em trong quá trình rèn luyện, học tập có nhiều khó khăn, nhiều hoàn cảnh đặc biệt. Ngày nay, nhiều em đã thành đạt trong xã hội, trong sản xuất kinh doanh, trong hoạt động văn hoá nghệ thuật. Đó là em Nguyễn Thị Bích Ngọc, học sinh lớp 12A2 khoá học 1998 - 2000, là học sinh cá biệt đến nỗi bố mẹ em không cho em đi học nữa nhưng thầy chủ nhiệm đã đến thuyết phục cho em tiếp tục được học. Tốt nghiệp em đi học trường Y và trở thành y sĩ đa khoa của Trung tâm cấp cứu 115 ở Hà Nội.

Đó là em Đoàn Tất Thắng tưởng đã phải bỏ học, thế rồi em đã được nhà trường giúp đỡ vươn lên, tốt nghiệp rồi trở thành Cảnh sát Giao thông thuộc Công an Thành phố Hà Nội.

Học sinh Nguyễn Hoàng Lân đỗ tốt nghiệp xuất sắc năm học 1997 - 1998 được vào thẳng Đại học ngoại thương, hiện là giám đốc công ty VPP Minh Trí; Vũ Hồng Hạnh 3 năm liền là học sinh giỏi được vào thẳng Đại học ngoại ngữ, hiện là trợ lý đào tạo công ty ORACLE Việt Nam.

Em Nguyễn Quang Đức học sinh lớp 12C1 khoá học 1994-1997 tốt nghiệp vào Nhạc viện Hà Nội, trở thành ca sĩ đoạt giải ba cuộc thi Giọng hát hay ba thế hệ năm 2005, hiện công tác tại Nhà  hát Vũ kịch Việt Nam (năm 1997 - 2006) và hiện nay tại Nhà văn hoá học sinh - sinh viên Hà Nội.

Em Thái Tâm lớp 12G1 niên khoá 1999 - 2002 tốt nghiệp cử nhân kinh tế hiện nay là Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Nghĩa Bình.

Em Nguyễn ích Cường học sinh lớp 12E khoá học 1993 - 1996, tốt nghiệp khoa Công nghệ Thông tin niên khoá 1996-2000 trường Đại học Dân lập Đông Đô, hiện là Phó phòng Giáo dục đào tạo nguồn Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực Công ty CP Phần mềm FPT…Em thật sự thay đổi nhiều, điềm đạm, thông minh.

Đặc biệt là em Ngô Thanh Tùng, học sinh lớp 12C1 khoá học 1994-1997, quá trình phấn đấu và rèn luyện của em trong mái trường Đinh Tiên Hoàng, em liên tục được bầu là Bí thư Đoàn trường, được giải thưởng cao nhất của Trung ưng Đoàn - giải thưởng Lý Tự Trọng. Sau này tốt nghiệp Đại học Khoa học Công nghệ Thông tin - Viện Đại học Mở Hà Nội, học giỏi được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy và kiêm chức Bí thư Đoàn trường. Em chững chạc, nhiều tư duy chín chắn của một thế hệ lãnh đạo kế tục sự nghiệp vẻ vang của ông cha.

Em Lê Đức Cường khoá học 1993-1996 lớp 12C vào KHXH&NV - Khoa Sử và Đại học Đông Đô - Khoa Du lịch - Giám đốc Công ty CP XNK và Thương mại Minh Việt. Doanh thu 130 tỉ đồng/năm, nhập khẩu sắt thép - là học sinh cá biệt. Gia đình cảm thấy hết kiên nhẫn, nhưng các thầy cô thì vẫn kiễn nhẫn để giáo dục em. Nay em đang chững chạc của một nhà doanh nghiệp tài năng.

Em Lê Việt Anh, niên khoá 1989-1991 khoá đầu tiên của trường. Thầy Chinh - Chủ nhiệm lớp 12A do thầy Hợp chủ nhiệm dạy Toán khoa Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội ra trường thành lập Công ty TNHH Tây Thái Bình 13 năm với ba chi nhánh tại Hà Nội, Hải Phòng. Sự nghiệp sản xuất kinh doanh của em có nhiều thành đạt góp phần vào sự nghiệp CNH-HĐH đất nước…

Sẽ còn nhiều em nữa mà tôi không có nhiều may mắn được gặp hoặc không thể đưa vào bài viết còn hạn chế này, nhưng các em chính là những sản phẩm có chất lượng cao của trường PTTH Đinh Tiên Hoàng, của nhiều thầy cô đặc biệt là các thầy cô chủ nhiệm.

Tôi còn nhớ một lần, có một thầy trong một cuộc hội thảo của Hội đồng Sư phạm nhà trường đã phát biểu: "Nếu thầy cô nào trụ vững ở trường này được 5 năm cũng đáng để thưởng Huân chương hoặc phong anh hùng…".

Vâng, đó phải chăng là các cô Vũ Thị Khánh Hoà với những kỷ niệm với em Nguyễn Đức Huy trong một ngày chia tay cùng lớp để nhận chủ nhiệm một lớp khác. Cuộc chia tay ấy căng thẳng mà cảm động khiến sau này cô đã viết một câu rất cảm xúc đầy chất thơ bằng cái tâm sư phạm trong sáng với lời kết: "Cuộc sống thật tuyệt vời. Hội ngộ rồi chia ly ấy là nốt thăng trầm trong bản tình ca về cuộc sống…Cuộc chia tay ấy giúp tôi hiểu hơn về tình cảm các em dành cho tôi. ấy là giây phút thăng hoa của nhà giáo chúng tôi…". Đó là kỷ niệm của cô Vũ Thị én chủ nhiệm lớp 12B2 năm học 2006-2007, cô đã giải toả được một vụ mâu thuẫn lớn dẫn đến đánh nhau của học sinh H vì H chẳng chịu ai bao giờ. Cô đã bám thắt lưng H và đưa H về được đến văn phòng nhà trường. Qua vụ việc đó cô chia sẻ với đồng nghiệp: "Để xử lý tình huống như vậy quan trọng nhất là xác định đúng mục tiêu và thực hiện được mục tiêu, sắp xếp công việc có thứ tự, khoa học và đôi khi cũng phải "liều" một chút.

Đó là cô Hoàng Liên Minh đã 14 năm làm chủ nhiệm được thầy hiệu trưởng Tùng Lâm ca ngợi. Cô đã từng đến hàng trăm gia đình để tìm hiểu hoàn cảnh, có những gia đình ở tận Hà Tây, Nam Định…Cô đã từng đi tìm hiểu hoàn cảnh gia đình các em, nhất là các em thường bỏ học, bỏ nhà đi qua đêm, hay đánh nhau, hút thuốc, đánh bạc và cô đã phối hợp chặt chẽ với gia đình các em để giáo dục.

Còn nhiều lắm, nhiều nữa những tấm gương tận tuỵ bằng cái tâm sư phạm trong sáng, khoa học của các thầy cô giáo trường Đinh Tiên Hoàng. Có thể tự hào nhìn nhận rằng mỗi một thầy cô giáo ở đây là những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa sư phạm của Thủ đô và cả nước. Vì bài viết có hạn tôi chỉ xin ghi lại đôi lời cảm xúc đầy kính trọng và quý mến tới thầy Phó Đức Vinh đã 15 năm gắn bó với trường. Nhân ngày họp mặt kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2009, thầy đã có một bài phát biểu rất xúc tích và hài hước. Mở đề bài phát biểu thầy nói: "Thế là đã 15 năm giảng dạy tại trường Đinh Tiên Hoàng. Người ta thường nói "nhắc lại chuyện cũ - vui có, buồn có. Nhưng riêng đối với tôi, chuyện cũ ở trường chỉ có ngạc nhiên - ngỡ ngàng - háo hức và vui".

Rồi thầy kể gặp bạn cũ ở báo Giáo dục Thời đại, khi biết thầy dạy ở trường Đinh Tiên Hoàng thì họ nói: "Thế ông không biết đấy là trường Đinh Kinh Hoàng à?". Còn một cháu ruột của thầy thì nói: "Bác dạy ở trường ấy, chắc bác phải biết võ chứ ạ?".

Bài phát biểu của thầy dí dỏm, khôi hài, không cần kể ra những vất vả của một người thầy làm chủ nhiệm ở một lớp học thu dung 100% học sinh từ các trường quốc lập thải ra mà khiến ai nấy đều cảm nhận những vất vả, kỳ công, đôi khi còn dũng cảm và phải "liều" như cô Vũ Thị Khánh Hoà đã nói. Và không phải chỉ có vậy, thầy còn thấy "Những niềm vui dần đến với tôi từ những lớp học sinh khá đến những lớp học sinh yếu, phong trào học còn kém đều có cảm tình với tôi, thích tôi dạy toán ở lớp mình, các em đều có lòng yêu quý thầy. Vui, vui lắm. Những năm gần đây, tự đáy lòng, tôi vẫn nói với đồng nghiệp trong trường là tôi thích đến trường dạy lắm, phải nghỉ mấy ngày là tôi nhớ học sinh. Tôi sẵn sàng trả lời đồng nghiệp ở các trường khác là tôi tự hào giảng dạy trường Đinh Tiên Hoàng. Những ai không giỏi chỉ dạy được ở đó vài ba năm đầy căng thẳng. Tôi đã dạy ở đó tới 15 năm đầy vui vẻ. Và chắc là tôi còn phải dạy được ở đó 15 năm đầy vui vẻ nữa".

Phải chăng đó là điều tự hào của tất cả các thầy cô giáo trường Đinh Tiên Hoàng, những người thầy đầy tâm huyết và có tài năng sư phạm. Đây là điều khác biệt mà tôi cảm nhận được của một mô hình giáo dục đặc biệt này, thể hiện phẩm chất cao quý của những người anh hùng thầm lặng trong xã hội ta ngày nay.

Nguyễn Văn Huy

[Trở về] [Đầu trang]

Các tin khác: