Tài liệu học tập
+ Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp- Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp 10
Bài nói chuyện
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website của chúng tôi qua đâu?
 Qua tìm kiếm trên mạng
 Qua bạn bè giới thiệu
 Qua quảng cáo
 Qua nguồn khác..
Trang chủTìm hiểu KH - GD › 'Cần giáo dục học sinh tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình'

'Cần giáo dục học sinh tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình'

Thứ năm, 03.11.2016

       Liên tiếp trong thời gian qua, nhiều vụ học sinh các cấp đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng đã trở thành hiện tượng bức xúc trong dư luận xã hội. Vấn nạn bạo lực học đường một thời gian tưởng chừng lắng xuống nhưng thực tế lại diễn ra rất phức tạp. Trước tình trạng đó, phóng viên Trang tin điện tử của Ủy ban Quốc gia về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (Trang Tiếng Chuông) đã có cuộc trao đổi với NGƯT - TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng sáng lập trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng.

NGƯT Nguyễn Tùng Lâm - Ảnh Nhật Thy

 

Bạo lực học đường - Không chỉ dừng lại ở việc xô xát của thế hệ trẻ

Trước hết, nói khách quan về vấn đề bạo lực học đường, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, việc học sinh đánh nhau không phải thời nay mới có, không phải chỉ có học sinh Việt Nam mới đánh nhau mà nước nào cũng có chuyện “bắt nạt”. Đó là quy luật tâm lý chung của trẻ mới lớn và đang lớn (từ THCS và THPT). Tâm sinh lý của các em đang dần hoàn thiện, nhiều suy nghĩ hành vi chưa được chín chắn, ổn định.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, câu chuyện hiện nay không chỉ dừng lại ở chuyện xô xát của tuổi trẻ mà đã trở thành vấn đề an ninh xã hội, khiến chúng ta phải lo lắng, bất an khi liên tiếp nhiều vụ việc xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết, tác hại của “bạo lực học đường” là rất lớn, nó không chỉ tác động lên những em bị đánh và còn gây hậu quả với những học sinh gây ra bạo lực.

Đối với những em bị bạo lực, ngoài tổn thương về thể chất, sau hệ lụy bắt nạt thường có 3 trạng thái tinh thần: Bình thường là tâm lý luôn sợ sệt, thiếu tự tin, nặng hơn thì bị trầm cảm, những em nào cá tính mạnh sẽ trở lên hung tính hơn. Còn với những học sinh đi bắt nạt, nếu các em không tự nhận thức được hành vi của mình hoặc nếu không được giáo dục kịp thời sẽ trở thành một thói quen. Đó là thói quen dùng vũ lực để bắt nạt người khác, dùng vũ lực để thể hiện khả năng của mình, khiến tính cách phát triển lệch lạc sau này.

“Chính vì vậy tình trạng bạo lực học đường không chỉ trở thành vấn đề nghiêm trọng khiến cho các bậc phụ huynh và nhà trường lo lắng mà còn khiến toàn xã hội hết sức quan tâm”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Giới trẻ đang hiểu sai về giá trị sống

Về nguyên nhân của tình trạng bạo lực học đường xảy ra liên tiếp, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, nguyên nhân phải nhìn nhìn từ hai phía. Trước hết từ góc độ của giới trẻ, thanh niên hiện nay và góc nhìn thứ hai là sự tác động từ bên ngoài.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, tâm lý phát triển khiến giới trẻ có nhu cầu tự khẳng định bản thân, nhu cầu giao tiếp, thể hiện. Đây là một tâm lý bình thường, tuy nhiên hiện nay nhu cầu này đang đẩy quá lên, không kiềm chế được. Các em chưa xác định được đâu là những giá trị tốt đẹp để khoe ra, chứ không phải chỉ có cái ảnh, những clip được nhiều like (lượt thích trên mạng xã hội). Đáng buồn là trong rất nhiều giá trị của con người thì các em học sinh này lại chỉ quan tâm đến những chuyện “câu like”.

Những giá trị bình an, yêu thương, tôn trọng, khoan dung, đoàn kết cũng như những kỹ năng sống như thương lượng, giao tiếp thuyết phục không có. Hễ xung đột là chỉ có một cách ứng xử bằng bạo lực.

Khía cạnh thứ hai là tác động từ bên ngoài, đầu tiên là gia đình, sau đó là nhà trường và xã hội.

Về phía gia đình, hiện nay trong giáo dục gia đình thì yếu tố xã hội tác động rất nhiều. Kinh tế thị trường phát triển khiến gia đình không còn ổn định như trước đây, bị “va đập” nhiều khiến hạt nhân gắn kết các thành viên trong gia đình không thật sự chặt chẽ.

Bên cạnh đó, tỷ lệ gia đình ly tán, không ổn định ngày càng nhiều. Gia đình không ổn định thì yếu tố giáo dục con cái, yếu tố gắn kết con cái cũng yếu đi. Chưa kể tình trạng bạo lực gia đình cũng đang gia tăng khiến trẻ khó có thể sống trong một môi trường hài hòa, gây xao động tâm lý.

Về phương diện giáo dục trong nhà trường, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, thời gian qua các trường học  đã rất tích cực trong việc ngăn chặn bạo lực học đường. Tuy nhiên, các hoạt động vẫn theo hướng phong trào, chạy theo thành tích, chứ không phải mỗi nhà trường tùy điều kiện học sinh của mình  đưa ra những chương trình giáo dục cho phù hợp. Đặc biệt, giáo dục của chúng ta là giáo dục đại trà là chính, chưa đến với từng học trò.

“Giáo dục nhà trường phải làm sao có hiệu quả đến từng học trò thì mới đạt đến tận gốc vấn đề. Ta thấy rằng số học sinh vi phạm ngày càng nhiều, chứng tỏ hiệu quả giáo dục đến từng học sinh không cao. Trong nhà trường mới chỉ chú trọng dạy văn hóa; còn những sự kiện thể thao, vui chơi giải trí, thiện nguyện thu hút học sinh rất ít”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Mặt khác, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, bạo lực học đường cũng phản ánh tình trạng bất an xã hội khi những nơi công cộng, nơi đông người thường xảy ra những vụ đánh nhau, lễ hội nào cũng có xô xát, va chạm trên đường cũng dẫn đến ẩu đả. Ở lứa tuổi bất ổn tâm lý, nhìn những vụ việc như vậy rất dễ học theo.

Cùng với đó, các clip bạo lực tung lên mạng, báo chí đưa tin dồn dập khiến xuất hiện một quy luật tâm lý mới: sự “lan tỏa”, chúng lại trông nhau, bắt chước để “không kém ai”.

Làm thế nào để giải quyết tận gốc vấn đề?

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, để đẩy lùi nạn bạo lực học đường phải giải quyết vấn đề từ những nguyên nhân gây ra nó.

Vừa qua dư luận xã hội đã chỉ ra những thiếu sót của nhà trường, của gia đình, của xã hội nhưng lại quên mất đối tượng cần giáo dục là chính những học sinh gây nên bạo lực học đường,  phải để các học sinh này phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Ở cấp THCS, THPT, xu hướng tự khẳng định mình của học sinh ngày càng rõ nét. Do đó quá trình giáo dục lúc này chính là làm sao để các em tự giáo dục, tự nhận thức và rút ra bài học cho bản thân. Vì thế để học sinh phải tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình trước là cách giáo dục thiết thực và hiệu quả.

“Ta đã coi nhẹ mặt này. Nhất là những hành vi của học sinh đã đi quá mức dẫn đến vi phạm pháp luật. Những học sinh ở tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật tuy chưa thể bắt các em ra tòa, nhưng luật pháp phải có chế tài xử lý với những học sinh đã gây hậu quả nghiêm trọng như giam giữ có thời hạn để giáo dục, hay phạt cải tạo lao động công ích…”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Bên cạnh đó, việc giáo dục gia đình phải được đẩy mạnh. Chúng ta hiện nay vẫn chỉ chú trọng về kinh tế, lo giảm nghèo mà chưa có biện pháp giáo dục trong gia đình. Nếu chúng ta xây dựng được một gia đình có giá trị yêu thương, hạnh phúc, chắc chắn các em trong gia đình đó sẽ ít va chạm hơn với bạo lực nói chung và bạo lực học đường nói riêng. Biện pháp giáo dục gia đình cần thực hiện một cách thường xuyên, quy củ, có mục tiêu và có lực lượng tham gia giải quyết để gia đình không bị “phá vỡ”.

Đối với nhà trường, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, ngoài dạy văn hóa, kỹ năng sống, cần dạy về giá trị sống, giá trị yêu thương, khoan dung…Dạy thông qua trải nghiệm, có chương trình thiết thực.

Cần giáp dục để cho học sinh tự thay đổi. Hiện nay chúng ta chỉ chú ý đến yếu tố giáo dục mà quên đi việc để các em phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Đây là biện pháp giáo dục mạnh và thiết thực đối với các học sinh này. Bởi “nhân cách là sản phẩm quan trọng nhất của giáo dục. Nhân cách không chỉ nghe và nói mà là sản phẩm nỗ lực của mỗi cá nhân”.

“Vấn đề là phải để các em gây ra bạo lực phải biết mức độ sự việc mình gây ra để sửa sai. Xin lỗi chưa đủ mà phải biết nhận lỗi và quan trọng nhất là tạ lỗi, tức là làm cái gì tốt hơn. Nhà trường phải có hình thức để các học sinh được tạ lỗi.  Tạ lỗi chính là thể hiện trách nhiệm”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Và quan trọng nhất, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, phải có cơ chế để thiết lập một đội ngũ giáo viên có đủ năng lực, kinh nghiệm để làm những việc này.

Một vấn đề nữa là mạng xã hội hiện nay đang phức tạp, cần có biện pháp an ninh. Chúng ta cần có bộ phận, có phần mềm kiểm soát được những hành động gây hại này, và phải có cảnh báo.

Nhà mạng cũng cần có những cảnh báo khi thấy có những yếu tố “câu like” gây ảnh hưởng tới xã hội, con người, an ninh pháp luật. Báo chí, truyền thông cũng cần cẩn trọng khi đưa tin về vấn đề này tránh gây tâm lý “bắt chước”, “lan tỏa”.

Đồng thời, toàn xã hội phải có trách nhiệm với thế hệ trẻ, tạo thêm nhiều điểm vui chơi cho trẻ.

Cuối cùng, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, bạo lực học đường không phải chỉ kêu ca, than phiền là giải quyết được, mà xã hội cần quyết tâm tìm ra cách. Quan trọng nhất là bản thân các em phải biết tự chịu trách nhiệm, tự mong muốn tốt đẹp hơn chứ không ai áp đặt được.

Nhật Thy

[Trở về] [Đầu trang]

Các tin khác: