Điểm mới trong tuyển sinh của 5 trường đại học lớn tại Hà Nội
Thứ năm, 05.03.2015Dân trí Đó là các trường ĐH Luật Hà Nội, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, Học viện công nghệ Bưu chính viễn thông, trường ĐH Ngoại thương và ĐH Quốc gia Hà Nội.
Thí sinh dự thi đại học năm 2014!
ĐH Quốc gia Hà Nội: Tổ chức 7 cụm thi
Năm 2015, ĐHQGHN sẽ tổ chức theo phương thức đánh giá năng lực tại 7 cụm thi.
Các cụm thi cụ thể gồm: ĐHQGHN, trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng (TP Đà Nẵng), trường ĐH Vinh (TP Vinh), trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), trường ĐH Hàng Hải Việt Nam (Hải Phòng), trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định (TP Nam Định), trường CĐ Kinh tế Tài chính Thái Nguyên (TP Thái Nguyên).
ĐH QGHN tổ chức hai đợt thi đánh giá năng lực. Theo đó, đợt 1 vào 30 và 31/5, Đợt 2 vào 1 và 2/8. Kết quả thi đánh giá năng lực có giá trị để đăng ký xét tuyển vào ĐHQGHN là 24 tháng kể từ ngày dự thi.
ĐHQGHN tổ chức xét tuyển 2 đợt. Trong đợt 1, thí sinh được phép đăng ký dự tuyển tối đa 3 ngành của một đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN theo thứ tự ưu tiên.
Đợt 2 xét tuyển bổ sung vào những ngành còn chỉ tiêu. Nếu thí sinh không trúng tuyển đợt 1, được phép đăng ký dự tuyển đợt 2.
Trường ĐH Luật Hà Nội: Môn tiếng Anh nhân hệ số 2
Năm 2015, Trường ĐH Luật Hà Nội xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia của thí sinh dự thi tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì.
Điểm trúng tuyển vào trường xác định theo từng mã ngành kết hợp với điểm sàn vào trường theo từng tổ hợp môn thi. Tổ hợp các môn thi Toán, Lý, Hóa tuyển 30%; tổ hợp các môn thi Văn, Sử, Địa tuyển 30%; tổ hợp các môn thi Toán, Văn, Tiếng Anh tuyển 40% chỉ tiêu.
Đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành Luật Thương mại quốc tế và ngành Ngôn ngữ Anh thì môn Tiếng Anh là môn thi nhân hệ số 2.
Thí sinh trúng tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh (chuyên ngành Tiếng Anh pháp lý), sau năm học thứ nhất, tuỳ theo khả năng của sinh viên trên cơ sở quy định của Trường, sinh viên có thể đăng ký học song bằng. Nếu thí sinh đủ điểm trúng tuyển vào trường theo từng khối thi nhưng không đủ điểm trúng tuyển vào ngành đã đăng ký ban đầu thì được đăng ký chuyển sang các ngành khác cùng khối còn chỉ tiêu.
Năm 2015, Trường ĐH Luật Hà Nội cũng tuyển 120 chỉ tiêu đào tạo chất lượng cao ngành Luật. Việc tuyển chọn thực hiện sau khi các thí sinh trúng tuyển vào trường.
Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông: Mở ngành học mới
Năm 2015, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến mở ngành học mới Truyền thông đa phương tiện nâng tổng số ngành đào tạo hệ đại học chính quy của trường lên 9 ngành.
Về phương thức tuyển sinh, Học viện dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để thực hiện xét tuyển. Xét tuyển theo từng ngành học và tổ hợp môn thi. Đặc biệt, năm nay, Học viện cócác chính sách hỗ trợ học bổng đặc biệt như : Miễn 100% học phí trong suốt quá trình học tập đối với các thí sinh có kết quả thi tuyển sinh từ 27,00 điểm trở lên (theo thang điểm 10) và các thí sinh tham gia đội tuyển Olympic quốc tế; thí sinh đạt giải Nhất học sinh giỏi quốc gia đăng ký tuyển thẳng vào Học viện. Ngoài ra, sinh viên sẽ nhận được các phần thưởng có giá trị khi nhập học.
Miễn 50% học phí trong suốt quá trình học tập đối với các thí sinh có kết quả thi tuyển sinh từ 25,00 đến 26,50 điểm (theo thang điểm 10) và các thí sinh đạt giải Nhì, giải Ba học sinh giỏi quốc gia đăng ký tuyển thẳng vào Học viện.Chính sách học bổng trên được áp dụng cho toàn bộ các đợt xét tuyển của Học viện. Học viện không giới hạn số lượng thí sinh được ưu tiên xét tuyển thẳng.
Ngành học mới Truyền thông đa phương tiện xét tuyển các môn Toán, Vật lý, Hóa học hoặc Toán, Vật lý, Tiếng Anh hoặc Toán, Văn, Tiếng Anh).
Học viện Báo chí & Tuyên truyền: Tổ chức thi môn năng khiếu
Học viện xét tuyển theo 3 nhóm ngành căn cứ kết quả thi THPT quốc gia. Riêng nhóm 1 ngành Báo chí tổ chức thi bổ sung môn Năng khiếu báo chí.
Xét tuyển hồ sơ: Thí sinh tham dự xét tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền cần thỏa mãn các điều kiện sau: Có kết quả xếp loại học lực từng năm học trong 3 năm Trung học phổ thông đạt 6,0 trở lên;
Hạnh kiểm 3 năm Trung học phổ thông xếp loại Khá trở lên; Điểm trung bình các môn thi Trung học phổ thông quốc gia đạt 6,0 trở lên (theo thang điểm 10).
Thi môn Năng khiếu tại trường (đối với thí sinh đăng ký thi ngành Báo chí): gồm 2 phần:
Phần thứ nhất: Bài thi trắc nghiệm (3 điểm) gồm 30 câu hỏi, thời gian làm bài 30 phút: kiểm tra hiểu biết chung về các vấn đề của đời sống xã hội.
Phần thứ hai: Bài thi tự luận (7 điểm) gồm 2 câu hỏi, thời gian làm bài 120 phút:
+ Câu 1 (3 điểm): đánh giá năng lực xử lý, biểu đạt thông tin và sử dụng ngôn ngữ trong xây dựng, hoàn thiện văn bản. Dạng thức đề thi có thể là: cung cấp một văn bản báo chí có lỗi sai (về quan điểm chính trị, cấu trúc văn bản, về tính logic, về văn phong, về cách sử dụng ngôn từ…) yêu cầu thí sinh sửa chữa và hoàn thiện văn bản theo cách của mình.
+ Câu 2 (4 điểm): đánh giá năng lực phát hiện vấn đề và thể hiện quan điểm cá nhân. Dạng thức đề thi có thể là: cung cấp thông tin về một vấn đề, một sự kiện, yêu cầu thí sinh viết một bài luận tối đa là 500 từ.
Tổng thời gian làm bài thi Năng khiếu báo chí: 150 phút. Bài kiểm tra Năng khiếu do Học viện ra đề và tổ chức chấm thi.
Xác định điểm trúng tuyển: theo ngành, chuyên ngành dựa trên tổng điểm các môn thi quy định cho từng nhóm ngành xếp từ cao xuống thấp. Các môn thi thuộc nhóm ngành 1, nhóm ngành 2 tính hệ số 1, môn Tiếng Anh thuộc nhóm ngành 3 tính hệ số 2.
Các chuyên ngành đào tạo: Ngành Triết học gồm 2 chuyên ngành: Triết học Mác – Lênin; Chủ nghĩa xã hội khoa học; Ngành Kinh tế gồm 2 chuyên ngành: Kinh tế chính trị Mác - Lênin; Quản lý kinh tế;
Ngành Chính trị học gồm 7 chuyên ngành: Quản lý hoạt động tư tưởng - văn hóa; Chính trị phát triển; Quản lý xã hội; Tư tưởng Hồ Chí Minh; Văn hóa phát triển; Chính sách công; Khoa học quản lý nhà nước; Ngành Báo chí gồm 7 chuyên ngành: Báo in; Ảnh báo chí; Báo phát thanh; Báo truyền hình; Quay phim truyền hình; Báo mạng điện tử; Báo chí đa phương tiện;
Ngành Quan hệ quốc tế gồm 2 chuyên ngành: Thông tin đối ngoại; Quan hệ chính trị và truyền thông quốc tế. Khi đăng ký dự thi, thí sinh cần đăng ký mã chuyên ngành dự thi.
Lịch thi tuyển: Nhóm ngành 1: Học viện nhận hồ sơ xét tuyển ngay sau khi có kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia và sẽ kết thúc nhận hồ sơ trước 10 ngày so với thời hạn xét tuyển đợt 1 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (dự kiến kết thúc nhận hồ sơ vào ngày 10/8/2015).
Tổ chức thi môn Năng khiếu báo chí dự kiến vào 12/8/2015, công bố danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến vào ngày 15/8/2015. Trả hồ sơ đăng ký xét tuyển cho thí sinh không trúng tuyển ngành Báo chí dự kiến từ 16 – 20/8/2015 (dự kiến 5 ngày cuối theo lịch xét tuyển đợt 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Lịch nhận hồ sơ, lịch thi môn Năng khiếu báo chí và công bố kết quả trúng tuyển có thể được điều chỉnh tùy thuộc thời gian công bố kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia và sẽ được thông báo trên website Học viện www.ajc.edu.vn, nhưng vẫn dành 5 ngày cuối của đợt xét tuyển cho thí sinh không trúng tuyển vào ngành Báo chí rút hồ sơ để đăng ký vào trường khác (nếu có nhu cầu).
Nhóm ngành 2, nhóm ngành 3: quy trình xét tuyển, hồ sơ và thời gian xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau khi công bố kết quả xét tuyển đợt 1, nếu còn chỉ tiêu Học viện sẽ thông báo lịch xét tuyển đợt 2 trên website Học viện và qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Sinh viên học các chuyên ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh) được miễn học phí. Thí sinh dự thi các chuyên ngành này không nói ngọng, nói lắp, không bị dị tật về ngoại hình. Thí sinh dự thi chuyên ngành Quay phim truyền hình phải có sức khỏe tốt, không mắc các bệnh, dị tật về mắt, ngoại hình phù hợp (nam cao 1m65, nữ cao 1m60 trở lên).
Trường ĐH Ngoại thương: Điểm trung bình chung học tập từ 6,5 trở trên mới được nộp hồ sơ xét tuyển
Tuyển sinh 2015, trường ĐH Ngoại thương sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia (các cụm thi do các trường đại học chủ trì) để xét tuyển và xét tuyển theo từng khối thi.
Trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia (các cụm thi do các trường đại học chủ trì) để xét tuyển; Xét tuyển theo từng khối thi:
Khối A: Toán Lý, Hóa
Khối A1: Toán, Lý, Tiếng Anh
Khối D1: Văn, Toán, Tiếng Anh
Khối D2: Văn, Toán, Tiếng Nga
Khối D3: Văn, Toán, Tiếng Pháp
Khối D4: Văn,Toán, Tiếng Trung
Khối D6: Văn, Toán, Tiếng Nhật
Điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển: Điểm trung bình chung học tập từng năm học THPT (lớp 10, 11, 12) từ 6,5 trở trên. Hạnh kiểm từng năm học THPT (lớp 10, 11, 12) từ loại Khá trở lên.
Tổng điểm 3 môn thi theo từng khối thi đạt mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển của trường (Nhà trường sẽ thông báo sau khi Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu).
Phương thức xét tuyển: Điểm trúng tuyển xác định theo từng chuyên ngành đăng ký, kết hợp với điểm sàn vào trường theo từng khối thi.
Điểm các môn thi nhân hệ số 1. Riêng các ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Trung, Ngôn ngữ Nhật điểm ngoại ngữ nhân hệ số 2.
Điểm trúng tuyển vào các ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Trung, Ngôn ngữ Nhật và các ngành học tại Cơ sở Quảng Ninh được xác định riêng.
Trong 2350 chỉ tiêu đại học của cơ sở phía Bắc, nhà trường dành 150 chỉ tiêu đào tạo (ngành Quản trị kinh doanh, Ngành Kinh doanh quốc tế) tại cơ sở Quảng Ninh.
Hồng Hạnh (tổng hợp)