Hồi ức của tướng Giáp về ngày giải phóng Thủ đô
Thứ sáu, 10.10.2014“Không phải chỉ có những người ra đi nhớ về Hà Nội, người ở lại cũng trông đợi từng ngày người ra đi mau chóng trở về. Chiến thắng Đông Xuân 1953-1954 và đại thắng ở Điện Biên Phủ đã mang lại cuộc trùng phùng lịch sử”.
Trong tập hồi ức Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết những dòng như vậy về cuộc giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954.
Cuộc trùng phùng lịch sử
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đưa đến việc Pháp phải ký hiệp định Geneva, công nhận độc lập của 3 nước Đông Dương và thực hiện một lộ trình rút quân khỏi đây sau gần 100 xâm lược, bóc lột xứ này. Đối với Việt Nam nói riêng, quân Pháp phải nhanh chóng rút khỏi miền Bắc tập kết vào trong vĩ tuyến 17 để rút dần về nước. Ngày 10/10, quân ta tiến vào thủ đô.
Đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là Đại đoàn 308 với trung đoàn Thủ đô – những người 8 năm trước đã quần nhau với xe tăng Pháp trong từng ngôi nhà, góc phố ở Hà thành. Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ lãnh trách nhiệm chủ tịch ủy ban quân quản Hà Nội bên cạnh đồng chí Trần Duy Hưng là chủ tịch thành phố Hà Nội từ đầu kháng chiến.
Trên đường về tiếp quản Hà Nội, một số đại diện của Đại đoàn 308 được triệu tập tới gặp Bác ở Đền Hùng. Tại đây Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ đại đoàn phải triệt để chấp hành 8 chính sách của Chính phủ, 10 điều kỷ luật trong quân đội, “không được xâm phạm đến cái kim sợi chỉ của dân”. Bác nhấn mạnh phải tôn trọng dân và giúp đỡ dân, thực hiện thật tốt nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Cũng ở đây, cán bộ, chiến sĩ đại đoàn 308 được nghe câu nói nổi tiếng của Bác: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Hình ảnh Đại tướng bên bàn làm việc.
Ngày 9/10/1954, một số đơn vị của đại đoàn 308 vào trước tiếp quản các công sở, nhà máy từ tay quân Pháp. Thành phố lúc này đang bị đặt dưới lệnh giới nghiêm, không một bóng người, các ngôi nhà đều đóng kín cửa. Nhưng bên trong cái không gian im lìm đó, nhân dân đang nô nức chuẩn bị để đón anh bộ đội cụ Hồ trở về sau 8 năm luồn rừng lội suối gian khổ hy sinh.
Sáng 10/10, các đơn vị của đại đoàn 308 chia 3 cánh cùng tiến vào Hà Nội. Ở phía Tây, trung đoàn Thủ đô xuất phát từ “Quần ngựa” theo đường Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông… vào đóng trong “thành cổ Hà Nội”. Trung đoàn 36 và 88 xuất phát từ phía nam tiến qua Bạch Mai, phố Huế… vòng quanh hồ Hoàn Kiếm rồi trở lại, theo đường Trần Hưng Đạo vào đóng quân ở khu vực “Đồn Thủy” và “Đấu Xảo”.
Bộ phận thứ 3 là đoàn cơ giới và pháo binh cùng với chỉ huy Vương Thừa Vũ xuất phát từ sân bay Bạch Mai đi đến ngã tư Vọng sang ngã tư Trung Hiền, theo đường Bạch Mai, phố Huế ra bờ hồ rồi đi sang Hàng Đào, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân lên Hàng Giấy, vườn hoa Hàng Đậu… và vào “thành cổ Hà Nội” từ cửa Bắc.
Hồi ức của Đại tướng
Trong ngày đoàn quân về tiếp quản Thủ đô, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn ở phía sau và sáng 11/10 mới vào thành nhưng ông vẫn liên lạc và nắm tình hình xát sao. Có lẽ qua các báo cáo từ bộ phận đi trước tướng Giáp vẫn nhớ chi tiết không khí buổi tiếp quản thủ đô năm ấy.
Trong hồi ức ông kể: “ Một đơn vị tới Cầu Giấy làm thủ tục bàn giao. Những chiếc xe bọc thép của quân Pháp chưa kịp quay đầu thì từ ngôi nhà tranh xiêu vẹo bên đường đã xuất hiện một lá cờ đỏ sao vàng, những tiếng hô không biết từ đâu nổi lên: Hồ Chủ tịch muôn năm! … Hoan nghênh các anh bộ đội trở về giải phóng Thủ đô! Rồi những cánh cửa bật mở, bà con ùa ra, xúm xít chung quanh các chiến sĩ tủi tủi mừng mừng. Chỉ trong giây lát, cả dãy phố nghèo ở ngoại ô đã đỏ rực màu cờ”.
Hà Nội ngày Giải phóng 10/10/1954.
Sáng 10/10/1954, trời mưa nhưng đường phố rất sạch sẽ. Các ngôi nhà ở Hà Nội đều treo cờ đỏ sao vàng. Cổng chào dựng lên ở khắp nơi để đón đoàn quân chiến thắng. Những phụ lão khăn đóng áo dài đứng trang nghiêm. Trên các chuyến tàu điện từ ngoại ô vào chật ních nhân dân. Tất cả mọi người dồn ra hai bên đường chờ đón giờ phút lịch sử, đoàn quân chiến thắng trở về.
Buổi trùng phùng lịch sử sau 8 năm xa cách được tướng Giáp miêu tả: “Người từ hai bên đường đổ xô ra đặt vào tay anh và các chiến sĩ những bó hoa tươi. Những chiếc lưỡi lê sáng ngời lấp lánh bên hoa. Tiếp sau là đoàn xe bộ binh cơ giới pháo binh.
Người Hà Nội không ngờ hầu hết cán bộ, chiến sĩ ta đều trẻ. Cái làm họ ngạc nhiên hơn là những người chiến sĩ nhỏ nhắn, hiền lành, giản dị này đã đánh thắng những tên lính Pháp cao lớn, dữ tợn, vũ trang đầy người, có cả máy bay, tàu chiến, xe tăng. Hàng Bông, Hàng Đào rộn ràng tiếng trống múa sư từ, múa lân. Pháo nổ rền, xác pháo đỏ hồng rải trên đường phố như những cánh hoa đào. Bên hồ Hoàn Kiếm, sinh viên, học sinh tụ tập km vườn hoa Chí Linh như năm nào, hát những bài ca cách mạng”.
Sáng 11/10, Đại tướng mới về Hà Nội. Nơi đầu tiên ông tới thăm là Nhà máy điện Yên Phụ với những công nhân dũng cảm. Tám năm trước họ đã phá máy làm tắt điện toàn thành phố để thay hiệu lệnh toàn quốc kháng chiến đêm 19/12/1946. Ngày nay, họ lại kiên cường đấu tranh với địch để giữ lại máy móc, giữ lại nguồn sáng cho Thủ đô.
So với 8 năm trước, Hà Nội dường như không thay đổi gì nhiều. Vẫn phố phường ấy, cảnh quan ấy nhưng ngày nay không còn những tiếng giày đinh, những tiếng xe nhà binh, mô tô Pháp gầm rú trên đường. Đại tướng cảm nhận: “Hà Nội rất ít thay đổi trong chiến tranh, vì người Pháp chưa lúc nào tin họ có thể tái định cư lâu dài như trước kia, mặt trận thường xuất hiện cách đây vài chục km”.
Sau 8 năm gian khổ chiến đấu, những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đã trở về giải phóng quê hương trong tư thế hiên ngang của chiến sĩ Điện Biên. Từ đây Hà Nội là trái tim hồng để lãnh đạo cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng. Đối với riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 21 năm sau đó là những năm tháng ông gắn bó với Hà Nội. Từ Tổng hành dinh trong Bộ quốc phòng hay tại nhà riêng trên phố Hoàng Diệu, những quyết định quân sự của ông đã từng bước đưa quân đội ta đến thắng lợi cuối cùng.
Trần Vũ