Có hay không tình yêu tuổi học trò
Thứ tư, 15.05.2013Hiện nay, nhiều thầy cô giáo trong các trường THPT đều than vãn: Yêu đương sớm đã trở thành chuyện bình thường và phổ biến với các em học sinh hiện nay!
Vì sao vậy! Đó phải chăng là chuyện bình thường làm “đau đầu” nhiều phụ huynh và “phiền toái” cho nhà trường!
Đó là một “hội chứng” trong giáo dục học đường hiện nay và điều khiến cha mẹ và nhà trường lo lắng thường là những hậu quả nhãn tiền do các em gây nên, mà lúc đó nhà trường hoặc bố mẹ giải quyết thì mọi việc đã trở nên muộn mằn!
Trong giáo dục gia đình và học đường chúng ta đã “bỏ chống” lĩnh vực tri thức này! Có lẽ theo cách nghĩ “truyền thống” chúng ta thường cho rằng: về lĩnh vực yêu đương và tình dục thì không cần phải dạy, trẻ lớn lên khắc biết!
Bây giờ lớp trẻ đều “sớm khôn” ra trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cả tình dục và tình yêu! Mà tai hại thay, sự “khôn sớm” này lại trở thành sự “dại dột” khôn lường!
Trong phạm vi diễn đàn này, người viết muốn chia sẻ với các em một đôi điều để các em có hiểu biết hơn về một lĩnh vực tình cảm “chớm nở” ở độ tuổi trưởng thành khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường, đó là “tình yêu tuổi học trò”.
Tình yêu tuổi học trò là một cảm xúc tình cảm dễ xảy ra, “dễ bén” bởi quan hệ bạn bè khiến các em dễ có cơ hội gần gũi tiếp xúc nhau, từ đó nảy sinh cảm tình và thiện cảm với nhau dẫn tới quí mến nhau bởi những thái độ, hành vi cử chỉ tốt đẹp trong quá trình cùng học tập và tham gia các hoạt động của nhà trường.
Tình yêu tuổi học trò bắt đầu với những thiện cảm và tình cảm trong sáng thể hiện qua sự quan tâm chú ý đến nhau thường là những tình cảm mơ mộng, lãng mạn và trong sáng. Tuy nhiên những tình cảm này cũng khó duy trì được lâu bền, dễ bị hoàn cảnh thực tế phũ phàng vùi dập, thường chỉ để lại những “kỷ niệm” khó phai trong ký ức đầu đời!
Ở độ tuổi gần trưởng thành do nhu cầu phát triển của giới tình, quá trình “phát dục” cũng trở thành một nhân tố thúc đẩy các bạn trẻ đi tìm bạn khác giới, nói đúng ra là “bạn tình”. Tìm kiếm bạn tình là nhu cầu tạo hóa ban cho muôn loài mà con người cũng không ngoại lệ, như vậy, tình dục cũng chính là một nhân tố dẫn tới tình yêu vậy.
Những biểu hiện của nhu cầu tình dục nhằm hấp dẫn bạn tình ở cả hai phái đó là: làm dàng, làm duyên. Theo các nhà sinh vật học thì từ các loài côn trùng đến các loài vật đều có chung đặc điểm này...
Như vậy, tình yêu bắt đầu từ nhu cầu tình dục cũng đang là hiện tượng phổ biến trong học sinh hiện nay. Đó là thứ tình cảm nhằm thỏa mãn nhu cầu thân xác, đó là thứ “tình yêu hoang dã” giống như muôn loài vậy!
Tình yêu do nhu cầu tình dục thường bắt đầu từ sự hấp dẫn lẫn nhau về thể xác, những hành vi cử chỉ gợi dục khiến các em khó vượt qua những cảm giác nhục cảm để rồi dễ dàng dẫn tới quan hệ tình dục, sẵn sàng “trao xương- gởi thịt” cho nhau mà không cần nghĩ đến hậu quả như thế nào?!
Tình yêu từ nhu cầu tình dục thường lãnh nhận hậu quả nặng nề: mang thai sớm, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, nhất là với các em nữ sinh; ấy là chưa nói đến những hậu quả về dư luận gia đình, nhà trường và xã hội không chấp nhận mỗi quan hệ tình cảm đó, nên dễ gây ra những hiệu ứng khó lường về mặt tâm lý khiến các em bị thiệt thòi, có khi còn dại dột nữa!
Tình yêu đến từ tình dục cũng là thứ tình cảm bồng bột, sốc nổi nên cũng không thể tồn tại được và dẫn đến kết cục bi đát mà phần thiệt thòi thường người con gái phải lãnh nhận...
Tóm lại, tình yêu tuổi học trò là tình cảm đang có trong thanh niên học sinh. Tuy nhiên, dù có khởi nguồn từ: tình cảm, thiện cảm, quí mến nhau hay từ nhu cầu tình dục đều không thể tồn tại được và thường để lại những tổn thất tình cảm, những “vết thương lòng” khó hàn gắn trong lúc tuổi đời của các em còn đầy những ước mơ, khao khát phải hướng tới thì tổn thương này sẽ gây nên những hiệu ứng tâm lý khó lường, có khi là những “cánh cửa nghiệt ngã” đóng lại trước tương lai đầy trong sáng và đẹp đẽ của các em!
Dante một thi hào và triết gia người Pháp đã viết: “Tuổi trẻ không sao hiểu biết được tình yêu, yêu vì nhục dục là cặn bã của tình yêu chân thiện”.
Đáng tiếc thay! Hiện tượng yêu đương ở độ tuổi học đường hiện nay đang là mối lo cho gia đình, nhà trường và xã hội, bởi những hệ lụy và cặn bã của nó.
Trước tình trạng trên chúng ta là những người lớn có thể làm gì? Có lẽ đã đến lúc chúng ta không thể “né tránh” mà không hướng dẫn các em những hiểu biết cần thiết về cảm xúc tình cảm rất dễ xảy ra ở độ tuổi của các em giúp các em hiểu biết đầy đủ và tự làm chủ mình. Điều quan trọng hơn đối với các em nữ sinh cần phải có “kỹ năng biết từ chối” trước những đòi hỏi bản năng của chính mình và của “bạn tình”. Về phía gia đình các bậc phụ huynh, nhất là các bà mẹ cần có sự quan tâm chia sẻ những điều mà con gái đến tuổi trường thành cần phải biết và phòng tránh. Đường nhiên đó chỉ là giải pháp hẹp mang tính tự vệ về phía cá nhân và gia đình. Điều quan trọng hơn đối với xã hội cần xây dựng một văn hóa lành mạnh trong lối sống mà cốt lõi là sự tôn trọng về nhân cách và thân thiện trong các mối quan hệ đời sống đặc biệt là đời sống tình cảm.
Lối sống ích kỷ, vô cảm, lạnh lùng, hưởng thụ và trụy lạc phải bị lên án trong đời sống xã hội và cách ly khỏi đời sống học đường.
Đó là công việc của các nhà quản lý xã hội và giáo dục trong việc quản lý xã hội và xây dựng một nền giáo dục có tác động tích cực tới việc hình thành và bảo vệ nhân phẩm trong sóng cho các em ở lứa tuổi học đường./.