Đôi điều trao đổi về cách dạy con
Chủ nhật, 06.05.2012Hai năm về trước gia đình tôi lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng về nỗi lo sợ mất con.
Cháu sinh ra trong hoàn cảnh hiếm muộn. Vợ chồng tôi xây dựng gia đình sau 13 năm mới sinh được cháu. Tôi là thượng uý trong quân đội, bố cháu bắt tôi phải nghỉ để về chăm sóc con. Trong suốt 5 năm cháu học cấp I tôi có điều kiện gần gũi cháu nên cháu rất ngoan. Khi cháu vào cấp II tôi thả cháu tự do để đi làm kinh tế. Thiếu sự chăm sóc của mẹ, tuy khi đó bố cháu cũng là cán bộ cao cấp trong quân đội, công việc bận rộn nên nay nhờ người này đến đón cháu, mai nhờ người khác đưa cháu đi học, tình cảm bố mẹ với cháu cứ xa dần và cháu hư hỏng lúc nào không biết. Thấy cháu học sút kém, bố mẹ kiểm tra biết cháu đi chơi điện tử thường xuyên. Đã nhiều lần bố cháu dùng đến dây điện quất cháu chảy máu nhưng đâu vẫn vào đấy. Mỗi lần đánh con xong, cả nhà đều khóc. Sau đó bố quyết định kèm chặt cháu bằng cách đưa cháu đi học và đón về, ăn cơm trưa cùng bố mẹ. Mỗi khi ăn cơm gia đình đầy đủ, tôi lại nói với cháu: vì con mà bố mẹ bỏ hết các cô chú trong cơ quan để về phục vụ con, chăm sóc con, bố không có thời gian nghỉ ngơi, con có thương bố không? Khi tôi không có nhà, bố cháu thường nói với chau: “bố rất thương mẹ, vì con mà phải nghỉ làm, bây giờ cuộc sống quá vất vả cũng chỉ vì thương con” cứ vậy, mấy tháng hè trôi qua cháu hiểu dần ra, không đi chơi đàn đúm với bạn xấu. Cháu nói với bố: “bố cho con đi học thật xa để không có bạn cũ đến”. Vợ chồng tôi rất tôn trọng nhau trong cuộc sống, không bao giờ có sự cãi lộn về công việc cũng như kinh tế. Nhiều lúc rất mệt mỏi nhưng vẫn vui vẻ cùng cháu, không khí gia đình đầm ấm thương yêu nhau, trong nhà đầy ắp tiếng cười. Cháu đã nhận thấy không thể thiếu bố mẹ được và ngược lại bố mẹ cũng không thể thiếu cháu được. Đi học về thấy bố mẹ vất vả cháu lao vào giúp bố mẹ mọi việc có thể làm. Sót con không cho cháu làm, cháu khoe và nói: “bố làm từ sáng tới giờ rồi, bố không nghỉ thì ốm mất”. Cứ vậy cả nhà tôi ai cũng tranh nhau công việc, vừa làm tôi vừa nói với cháu: “con thấy bố mẹ kiếm tiền nuôi con có vất vả không?” Vây con đừng đua đòi với các bạn. Thỉnh thoảng tôi lại lặng lẽ kiểm tra cặp của cháu. Khi cháu xin mẹ tiền mua vợt cầu hoặc giầy dép, tôi có thể mua cho cháu được ngay, nhưng tôi nói: “để vài bữa nữa mẹ phải vay thêm tiền rồi chờ bố lĩnh lương mẹ trả”. Nhưng với đồ dùng học tập và tiền học của cháu tôi không bao giờ để cháu nhắc lần 2. Khi hết học kỳ I của lớp 10 cháu được thầy Thịnh xin cho cháu sang lớp 10A2 lớp cô Tâm, tôi thấy cháu càng chăm học hơn. Tôi hỏi, cháu đã tâm sự: “mẹ ơi lớp con cô Tâm chủ nhiệm, chúng con rất thích học, cô đối xử với chúng con cũng như với con trai của cô. Cô rất chiều tâm lý của chúng con. Cô rất chiều tâm lý của chúng con, mỗi khi chúng con có khuyết điểm, cô không mắng và có lúc cô khóc và bảo: các con lớn rồi, đừng để cô phải nói nhiều, vì vậy chúng con rất có ý thức nhắc nhở nhau cả những khi cô vắng lớp!. Từ cháu tôi rút ra việc dạy con: không thể dùng hình phạt, roi vọt, tiền bạc để mong con ngoan; mà cần phải dùng tình cảm và gia đình thực sự hạnh phúc, bố mẹ thông cảm và hiểu con, quan tâm chăm sóc và đặc biệt bố mẹ phải tôn trọng nhau và gương mẫu trước con cái. Về phía gia đình cần liên hệ chặt chẽ với nhà trường và cô chủ nhiệm, mối liên hệ chặt chẽ ấy sẽ giúp cho việc giáo dục, động viên cháu chắc chắn ngày càng tiến bộ hơn./