Làm thế nào để nuôi dạy con cho tốt
Chủ nhật, 06.05.2012Điều đáng quan tâm hơn nữa là cần lắng nghe những ước muốn, nguyện vọng của con mình, không nên gò ép chúng phải làm theo ý cha mẹ, hãy để quyền tự do và sáng tạo của chúng được phát triển và vươn lên theo đúng khả năng của chúng.
Trong đời sống hàng ngày, việc nuôi dạy con đang là vấn đề được các bậc cha mẹ hết sức quan tâm. Thực ra nuôi dạy con cái là điều không khó, nhưng dạy chúng biết ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ lại là điều khó khăn hơn cả. Điều này phụ thuộc vào cách dạy con của mỗi người. Đôi khi chúng ta cần lắng nghe những tâm sự suy nghĩ của con trẻ xem chúng muốn gì, làm những gì để cho chúng cảm thấy được quan tâm và chia sẻ. Thường các bậc phụ huynh hay đòi hỏi và yêu cầu ở con cái nên hay áp đặt chúng phải làm theo ý của mình mà không hề suy nghĩ xem chúng sẽ nghĩ như thế nào về việc đó. Như thế là không nên, bởi trẻ em sẽ cảm thấy bị gò ép và chúng sẽ luôn làm ngược lại với những điều chúng ta muốn. Cách tốt nhất là cha mẹ phải khuyến khích con cái, động viên khích lệ để chúng có cảm giác rằng cha mẹ hiểu được suy nghĩ và tâm tư của mình. ở độ tuổi khác nhau, tâm sinh lý của con cái cũng khác nhau. ở tuổi dậy thì, các cháu thường có biểu hiện khác thường như: cáu gắt, khép kín, ít tâm sự với ai, những lúc như vậy các bậc cha mẹ nên gần gũi, cởi mở hơn với con cái chứ không nên hạch sách, mắng mỏ, vì càng làm như vậy trẻ sẽ càng cảm thấy bị xúc phạm và chúng dần thu hẹp lại.
Trong nhịp sống xã hội hiện đại ngày nay, hầu hết các bậc cha mẹ chỉ lo lắng những thiếu thốn về vật chất của con cái mà quên đi rằng chúng rất cần được yêu thương săn sóc và những lời động viên từ cha mẹ. Khi trẻ tỏ ra bướng bỉnh và bất cần trước những lời khuyên răn của cha mẹ, thì trước hết chúng ta không nên có những hành vi bạo lực như: chửi mắng, đánh đập như thể không giải quyết được mâu thuẫn với con trẻ, không làm cho chúng hiểu cái sai mà càng làm cho chúng trở nên bướng bỉnh và mất khả năng kiểm soát, và trở nên mất phương hướng, niềm tin và sự kính trọng vào cha mẹ để rồi dễ dàng bị sa vào những tệ nạn xã hội.
Vì vậy, cha mẹ càng cần phải bình tĩnh suy xét sự việc và đưa ra những lời khuyên bảo hợp lý, nói chuyện thẳng thắn và công bằng với con cái, không nên tạo áp lực với con.
Điều đáng quan tâm hơn nữa là cần lắng nghe những ước muốn, nguyện vọng của con mình, không nên gò ép chúng phải làm theo ý cha mẹ, hãy để quyền tự do và sáng tạo của chúng được phát triển và vươn lên theo đúng khả năng của chúng.
Cha mẹ cần phải quan tâm chăm sóc con cái để cho chúng trở thành những mầm non của đất nước.