TÍNH HIẾU THẮNG
Thứ bảy, 11.05.2013Hiếu thắng là một trạng thái tâm lý thường xảy ra trong độ tuổi trường thành. Tâm lý này bộc lộ khi bước vào tuổi thiếu niên và càng mạnh mẽ ở độ tuổi thanh niên.
Đó là trạng thái tâm lý tất yếu xảy ra ở tuổi trẻ, khi các em bước vào tuổi trưởng thành. Ý thức tự chủ, độc lập ngày càng mạnh mẽ và hiếu thắng chính là cách để các em tự khẳng định cá nhân mình.
Trạng thái tâm lý này có cội nguồn xa xưa từ bản năng sinh tồn của mọi cơ thể sinh vật do tạo hóa sinh ra! Không chỉ với con người mà cả loài vật cũng vậy: những chú gà con khi đã mọc đủ lông cánh cũng là lúc chúng bắt đầu “thử sức” với nhau bằng những trận “ẩu đả” tơi bời với anh em trong cùng một bầy đàn!
Có câu ca dao: “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, nhưng chúng vẫn đá nhau! chính là để khẳng định vai trò cá nhân của mình trong bầy đàn vậy.
Nhiều loài vật khác cũng có chung tập tính này, bởi đó là quy luật chung về sự phát triển của muôn loài. Sự trưởng thành của con người cũng diễn ra như vậy. Tuy nhiên, con người khác với loài vật bởi biết suy nghĩ nên không thể hành xử như loài vật được.
Tình trạng “bạo lực học đường” đang diễn ra gây bức xúc và lo lắng cho gia đình, nhà trường và toàn xã hội!
Làm thế nào để giải tỏa được tính hiếu thắng tới mức không kiềm chế nổi gay nên những hậu quả tiêu cực và đáng tiếc trong thanh niên học sinh hiện nay đó là điều không đơn giản.
Hiện nay giáo dục gia đình và học đường thường tìm cách áp đặt nhằm: răn đe, ngăn chặn hoặc cảnh cáo thường khó đem lại những kết quả bền vững, có khi còn gây nên những phản ứng tiêu cực và dẫn tới những hệ lụy phức tạp hơn làm tổn thương các mối quan hệ tình cảm mà hiệu quả giáo dục lại không chân thực!
Các em học sinh cần nhận thức rõ giới hạn của tính hiếu thắng, cần ngăn ngừa những biểu hiện cực đoan dễ xảy ra do không kiểm chế nổi tính hiếu thắng của mình, đó là những biểu hiện tâm lý ích kỷ do nhu cầu đòi hỏi cá nhân quá mức, thích thể hiện mình, muốn lấn át người khác, không quan tâm tôn trọng người xung quanh dẫn tới xem thường không nể nang, bất chấp mọi người dẫu là bạn bè hay cả người lớn tuổi.
Từ trạng thái tâm lý đó dẫn tới những hành vi hoặc cử chỉ: dương dương tự đắc, nhâng nháo, ngạo nghễ, nghênh ngang, ngông cuồng, ngổ ngáo hoặc thô lỗ nhằm dọa nạt gây gổ sinh sự với bạn bè xung quanh; thậm chí còn dùng vũ lực để xâm phạm thân thể người khác!
Thật đáng buồn, có không ít các em đã suy nghĩ và hành xử như vậy nhưng vẫn cho như thế là mình có “bản lĩnh”! Đó thực ra chỉ là cách suy nghĩ và lối hành xử kém cỏi, thiếu hiểu biết, bộc lộ một tư cách và nhân cách còn có nhiều trống khuyết mà thôi!
Các em đã lầm tưởng đó là cách thể hiện nhằm làm nổi bật vai trò của mình, sức mạnh của mình bằng cách ứng xử hung hăng và thô lỗ để “bắt nạt” và uy hiếp người khác! Thực là cách suy nghĩ và lối ứng xử “dại dột” vô cùng; bởi người xưa từng nói:
- Khí kiêng nhất là hung hăng
- Tâm kiêng nhất là hẹp hòi
- Tài kiêng nhất là bộc lộ
Tính hiếu thắng như nhiều học sinh hiện nay mắc vào cả ba điều kiêng kỵ trên! Vì các em thường rất dễ hung hăng tức là đã để lộ khí, tâm địa thì cố chấp hẹp hòi luôn nghi ngờ và thích gây sự, tài cán chưa biết đến đâu đã hể hiện băng cách nhảy bổ vào hiếp đáp bạn bè!
Hiếu thắng như vậy thì chỉ gặp hoặc chuốc vạ vào thân, bạn bè xa lánh, người thân lo lắng bởi dễ hành xử phạm pháp và mắc vào vòng “lao lý”, tù đầy! Các em cần biết kiềm chế cảm xúc của mình để tránh có những hành vi hiếu thắng tiêu cực; bởi như vậy các em sẽ khó trở thành người lương thiện dễ trở thành kẻ ác và như thế cũng dễ đánh mất tuổi trẻ học đường đầy ước mơ và khát vọng của mình!
Đó là điều người viết bài này muốn trao đổi cùng các em để chúng ta cùng suy ngẫm./.